Ứng thế lãnh chúng, điều cần yếu là pháp lệnh làm đầu. Thực hành pháp lệnh là do trí tuệ và tài năng. Tài năng và không có tài năng là tố phận của mỗi người, đâu có thể giáo hóa được vậy.

Tài trí của con người tự nó có lớn nhỏ, thực không thể do nơi giáo hóa. Cho nên giấy nhỏ không thể gói được vật lớn, dây ngắn không múc được nước nơi giếng sâu. Chim Cú Mèo ban đêm mắt nó có thể thấy được vật nhỏ như con bọ chét. Nhưng về ban ngày thì dù nó có mở mắt to ra cũng không trông thấy được vật lớn như gò núi. Vì lẽ chúng đã có sự an bài phân định riêng biệt vậy.

Phàm gọi là bậc trưởng lão, phải nên đừng ham thích bất cứ một vật gì. Nếu một khi đã ham thích một gì thì sẽ bị giặc ngoại vật đó làm trở ngại. 

Ham thị dục thì tâm tham ái phát sanh. Ham lợi dưỡng thì niệm truy cầu cạnh tranh dấy khởi. Ham thuận theo thì kẻ tiểu nhân a dua tụ họp. Ham thắng phụ thì núi nhân ngã càng cao. Ham vơ vét của dân thì tiếng than oán phát khởi. Tóm lại mà xét cho cùng đều không ngoài ở một tâm này. Tâm nếu chẳng sanh thì muôn pháp tự nhiên hết. Chỗ sở đắc thường ngày chỉ cần đừng nên vượt qua điều răn dạy này thời được. Phàm là người tu hành thì phải gắng sức làm khuôn phép chánh đáng, cũng chính là để cho kẻ hậu học noi theo.

Đại phàm khi bình luận về người, nên ở trong chỗ có lỗi lầm mà tìm ra chỗ không có lỗi, há nên ở trong chỗ không có lỗi lầm mà tìm ra chỗ có lỗi.

Ôi ! nếu không xét được tâm của người, mà lại nghi ngờ và đàm tiếu về việc của người, thì đem cái gì để an ủi công chúng ở chốn Tùng Lâm. Vả lại tài trí và đạo đức của ngài Diệu Hỷ, phát xuất ở thiên tính, lập thân làm việc chỉ theo nghĩa khí, độ lượng lại hơn người. Nay tạo vật ức chế Ngài, tất phải có cái lý của nó vậy. Như thế biết đâu, đó chẳng là cái phúc của Pháp môn ở thời khác vậy ư. Những người được nghe lời trình bày như thế rồi, từ đó trở đi không còn ai bàn luận nữa.

Người học đạo cũng như trồng cây.

Cây vừa mới tốt mà đã chặt, chỉ để cung cấp làm củi đun. Cây sắp lớn mà đã chặt, chỉ có thể làm rui mèn. Cây hơi lớn mà đã chặt, chỉ có thể sung vào làm đòn tay, kèo nhà. Cây đủ già và đủ lớn mới chặt thì có thể dùng làm xà ngang trụ nóc.

Như vậy, há chẳng phải là dụng công xa rộng thì lợi đó cũng lớn vậy ư! Sở dĩ người xưa chỉ ghi nhớ và thực hành cái đạo đó, cố nhiên là rộng lớn mà không chật hẹp, cái chí đó xa vời mà không thiển cận, coi lời nói đó cao thượng mà không thấp hèn. Tuy có lúc gặp phải thời thế dở dang, gặp lúc đói kém khốn cùng, hay dù phải táng thân mất mạng nơi rừng núi, nhưng cái di Phong lẫm liệt đó, vẫn còn rạng rỡ suốt hàng trăm năm sau, người ta cũng vẫn còn lấy đó làm phép tắc mà truyền trao gìn giữ.